Thứ Bảy, 18 tháng 12, 2010

CẬU TÔI

CẬU TÔI
                    PHẦN MỘT

Phải nói ngay Cậu tôi là anh Mẹ tôi. Hầu hết các tỉnh miền Trung đều gọi anh hoặc em của mẹ là Cậu, khác với một số địa phương phía Bắc, anh mẹ thì gọi là Bác, chỉ có em mẹ mới gọi là Cậu. Cậu tôi sinh ra tại ngôi nhà này, ngôi nhà của ông bà ngoại của tôi mà mấy năm gần đây được phục chế lại, ngôi nhà mà ở đó mẹ tôi đã sinh chị cả của tôi, và là người cuối cùng rời căn nhà đó vào những năm cuối cùng của cuộc kháng chiến chống Pháp.

Nhiều người hỏi, nghe nói Cậu tôi sinh ra ở gốc mít ngoài vườn có đúng vậy không. Đúng là như vậy, theo lời kể của mẹ tôi thì do năm ấy nhà bị hỏa hoạn cháy rụi, ông ngoại tôi phải dựng tạm một mái lều dưới gốc mít phía trước sân làm chỗ tá túc. Và bà ngoại tôi sinh Cậu tôi trong cái lều đó. Năm đó là năm Hợi, cách nay gần tròn một thế kỷ. Khoảng tám chín năm về trước, trong một lần về thăm quê, Cậu tôi đã trồng lại một cây mít vào đúng chỗ gốc cây năm xưa.
Cậu tôi sống tình cảm, luôn mong muốn con cháu quây quần xung quanh, tôi cũng được hưởng lây mối quan tâm đó của Cậu tôi. Trong số các cháu, tôi là đứa có cái may mắn được gần Cậu tôi nhiều nhất. Tôi luôn cảm thấy hạnh phúc về điều đó và biết mình phải sống như thế nào để xứng đáng với tình thương đó.
Mẹ tôi thỉnh thoảng vẫn kể những chuyện của Cậu tôi cho các con nghe, lúc nào mẹ tôi cũng kể bằng một lối kể đầy cảm xúc và ấm áp lạ thường. Chuyện tôi nghe từ lúc còn bé tí và để lại ấn tượng mạnh nhất là lúc mẹ tôi vừa từ Hà Nội thăm Cậu tôi trở về. Mẹ kể cho chúng tôi nghe bác sĩ đã phẫu thuật những vết sẹo sau lưng Cậu tôi như thế nào, rồi họ "cấy phi-la-tốp" vào đó như thế nào, vân vân. Với đầu óc non nớt của những đứa trẻ như chúng tôi thì thấy rất ngạc nhiên vì cứ tưởng đã là chỉ huy to thì không bao giờ bị thương. Với lại lần đầu tiên được nghe những từ hiện đại như phi-la-tôp lấy làm rất chi là ấn tượng!
Chuyện nữa mà mẹ tôi hay nhắc đến là vào dịp Bà ngoại tôi mất, lúc đó Cậu tôi đang công tác ở Liên Xô. Đêm ấy Cậu tôi nằm mơ thấy Bà ngoại tôi bị đau ở vùng bụng, lại mơ thấy có máu. Thấy Cậu tôi luống cuống vì lo lắng, Bà ngoại tôi bảo "Con cứ đặt bàn tay con lên đây là hết đau". Đến đó thì Cậu tôi tỉnh giấc, thấy ruột như có lửa đốt, không thể nào ngủ được nữa. Đến sáng thì có người bên ĐSQ đến thông báo là Bà ngoại tôi bị bệnh nặng chắc khó qua khỏi. Thông báo thế nhưng thực ra Bà tôi đã qua đời tại Quân y viện 108 trước đó ít lâu rồi. Câu chuyện này lúc nào mẹ tôi cũng kể bằng một giọng rưng rưng.
Trước đây dạo còn học cấp 3 ở quê, tôi thường hay được xem những lá thư mà Cậu tôi viết về cho Mẹ tôi. Đó là những lần mẹ tôi mang thư cậu tôi ra đọc lại cho đỡ nhớ, hoặc thỉnh thoảng có các chú bộ đội đến nhà nằn nì mẹ tôi cho xem nét chữ của Thủ trưởng! Mẹ tôi cất giữ những lá thư đó cùng những kỷ vật của Bà ngoại tôi hết sức cẩn thận, coi như những bảo vật. Sau này, khi bom Mỹ đánh sập nhà tôi, ngôi nhà duy nhất trong xóm bị ba quả bom tọa độ phóng xuống trong đêm, tất cả những kỷ vật đó đều bị thiêu rụi. Mỗi lần nhắc đến, cả nhà tiếc đứt ruột.
Tôi không thể nào quên những ngày đầu mới vào quân ngũ. Từ đơn vị huấn luyện tân binh Cây số 20 Cầu Như Quỳnh, Hải Hưng, tôi được về Hoàng Diệu ngủ qua đêm để sáng sớm hôm sau có mặt tại C-47 Sân bay Bạch Mai. Tôi được bác Thiều bảo mẫu, và đã là một thành viên trong gia đình, thu xếp cho tôi ngủ một giường ở phòng của bác. Cậu tôi dặn, sáng mai nhớ gặp Cậu trước khi đến tập trung ở đơn vị mới. Sáng ra tôi dậy thật sớm, cả nhà vẫn chưa có ai dậy, tôi vận quân phục chỉnh tề, ba lô gọn gàng rồi ngồi đợi ở bậc tam cấp lên xuống ngay cạnh cửa sổ phòng ngủ của Bà ngoại tôi trước đây.

Mãi lâu sau thấy chị họ của tôi chạy ra bảo vào ngay vào ngay. Khi bước vào phòng làm việc của Cậu, tôi thấy Cậu đang hí hoáy viết gì đó trên bàn. Cậu ngẩng lên thấy tôi, vẫy tôi lại gần và đưa tặng tôi tấm ảnh chân dung của Cậu mặc quân phục, kiểu ảnh này tôi chưa được thấy lần nào. Cậu tôi chìa tay ra chạm vào bàn tay tôi rồi nói: "Nào, bắt tay cái nào! Cố gắng con nhé!". Tôi líu ríu vâng vâng dạ dạ rồi định cất ngay tấm ảnh vào ba-lô. Cậu tôi dịu dàng nói: "Con chưa đọc những gì Cậu ghi sau ảnh mà!". Tôi luống cuống lật đằng sau tấm ảnh và đọc được dòng chữ còn tươi nguyên nét mực "Tặng cháu Định. Hãy phấn đấu để trở thành Chiến sĩ Quyết thắng!". Ngay phía dưới dòng ghi ngày tháng là chữ ký của Cậu tôi, cái chữ ký mà không phải chỉ một mình tôi thích! Cậu tôi và chị họ tôi đưa tôi ra tận cửa, Cậu tôi còn dặn thêm: "Cố gắng con nhé!". 
Đó là hành trang vào đời của tôi!

CẬU TÔI
                  PHẦN HAI

Lại nói, tôi vào bộ đội, được điều về một đơn vị thuộc Quân chủng PKKQ, sau đó được đưa sang Liên Xô học ở một Trường quân sự. Theo tinh thần được phổ biến là để chuẩn bị cho cuộc chiến lâu dài, cả trên không và trên biển.

Trong một dịp hè được về nước nghỉ phép, chúng tôi tập trung học chính trị. Những ngày đó tôi ngủ cùng phòng với Hồng Nam, trai út của Cậu tôi. Giường ngủ phải kê lùi vào góc để dành nửa phòng còn lại cho các thiết bị liên lạc vô tuyến với dây nhợ dăng đầy.

Tối tối, sau những giờ làm việc căng thẳng, Cậu tôi thường ngồi vào chiếc dương cầm đen bóng đặt ở tầng hai, dạo một vài bản nhạc mà Cậu tôi ưa thích. Trong đêm thanh vắng, tiếng đàn êm ái du dương vọng xuống tận tầng một nghe mới bình yên làm sao. Bản nhạc mà mới nghe tôi có thể nói tên được ngay là bài Cây Trúc xinh, còn các bản nhạc cổ điển khác thì tôi chịu. Có một bản nhạc mà tôi rất thích nhưng chịu không biết tên, sau này hỏi mợ tôi, tôi mới được biết đó là bản Xô-nat Ánh Trăng.

Đang thiu thiu tôi bỗng giật mình vì tiếng "a-lô a-lồ" của chú Thìn đang trực máy nói chuyện với ai đó. Rồi chú chạy đi một lúc, có tiếng chuông reo ở gác hai, lát sau thì Cậu tôi xuất hiện. Cậu tôi ngồi vào chiếc ghế bọc đệm kê sẵn cạnh máy, cẩn thận áp sát tổ hợp vào tai, và lắng nghe. Nghe một lúc lại trao đổi một lúc, nói xong lại nghe, nghe xong lại nói. Qua cuộc hội thoại tôi đoán Cậu tôi đang nghe báo cáo tình hình mặt trận và đang trao đổi về một chiến dịch nào đó ở tận một nơi rất xa. Tôi giả vờ ngủ, còn tên Nam thì ngáy rất to vì suốt chiều đá bóng bên sân Cột Cờ.

Hình ảnh Cậu tôi nói chuyện với các chỉ huy ngoài mặt trận in sâu vào tâm trí tôi đến nỗi, mãi sau này khi đã được học thêm lên, suy nghĩ có phần sâu sắc hơn tôi bỗng nhớ lại hình ảnh ấy và ngẫm ra rằng, không một kẻ nào có thể khuất phục được một chủ nhân ông đánh bắt trộm ngay tại ngôi nhà của mình. Dù bọn trộm có ba đầu sáu tay, giỏi đào tường khoét ngạch thì cuối cùng vẫn bị chủ nhà tóm gọn!

Qua Nam tôi mới được biết là hàng ngày Cậu tôi làm việc ở Chỉ huy Sở, về nhà có chỗ làm việc ở hầm ngầm đề phòng máy bay ném bom, còn trong phòng Nam chỉ là bộ phận trực dã chiến về đêm.

Hè đó tôi được theo Cậu tôi xuống Đồ Sơn, Cậu tôi có khoảng một tuần làm việc căng thẳng tại đó. Cứ mỗi sáng sớm khi mặt trời còn chưa ló dạng và cuối chiều khi ánh nắng vừa tắt là Cậu tôi lại đi bách bộ dọc bãi cát ven biển. Buổi sáng có chú Thìn đi cùng, còn buổi chiều là tôi. Cậu tôi đi chân trần trên cát mịn, dáng ung dung thong thả, nhưng nhìn nét mặt thì như vẫn đang suy nghĩ điều gì lung lắm. Tôi chỉ biết cắm cúi đi theo, tay cầm sẵn khăn mặt cho Cậu tôi để nếu cần thì lau mồ hôi, im thin thít không dám bắt chuyện.

Chỉ đến một chiều thấy Cậu tôi vui vẻ hẳn, tôi đoán là công việc đã được giải quyết xong, Cậu tôi chủ động bắt chuyện. Cậu hỏi tôi kết quả học tập, tình hình đơn vị và việc học chính trị trong dịp nghỉ hè. Thấy Cậu vui vui, lại còn hỏi trêu tôi là đã làm bản thu hoạch về "Tình hình mới, nhiệm vụ mới" chưa, tôi mới thấy tự tin hẳn lên, tôi đánh bạo hỏi Cậu tôi về khái niệm 'chiến tranh cục bộ' mà ở trên lớp chúng tôi hiểu còn rất lơ mơ. Cậu tôi chăm chú lắng nghe và giải thích cho tôi bằng những ví dụ thực tế mộc mạc chân phương, nghe thật dễ hiểu và nhớ lâu. Cậu dặn tôi phải cố gắng học và học thật giỏi, phấn đấu còn năm cuối và luận án tốt nghiệp phải giữ cho được toàn điểm 5 vì Cậu tôi biết, những ai giữ được toàn điểm 5 trong suốt năm năm học sẽ được Huy chương Vàng. Đó là niềm vinh dự không những cho cá nhân học viên được nhận HCV mà còn là vinh dự cho cả đoàn Việt Nam nữa. Biết vậy nên ai cũng ra sức phấn đấu.

Sau này khi đã tốt nghiệp đi làm, rồi va chạm với cuộc sống đầy phức tạp có nhiều tiêu cực và bức xúc, về nhà tôi thường hay tâm sự với Cậu tôi. Cậu tôi nghe rất chăm chú, hỏi lại một số chi tiết cho rõ hơn, và thường cho chúng tôi những lời khuyên thiết thực. Lời khuyên mà chúng tôi thường được nghe nhiều nhất, và cố gắng thực hiện nghiêm túc, đó là nên mạnh dạn đóng góp ý kiến nhưng phải có tính tổ chức. Hiểu một cách nôm na là không được phát biểu lung tung, góp ý phải theo một kênh thông tin nào đó chính thống và phải được chuyển lên cấp cao hơn. Cho đến ngày nay, Cậu tôi vẫn là một tấm gương về tuân thủ tính tổ chức bất di bất dịch đó. 

Một trong những công việc đáng nhớ nhất là việc tiếp khách trong những ngày lễ trọng của Cậu tôi. Nhìn danh sách các đoàn ken kín lịch từng ngày đã thấy phát sốt, mà một đợt kéo dài dăm bảy ngày là chuyện thường, một năm có từ ba đến bốn đợt tiếp khách như vậy. Chúng tôi, những tên điếu đóm chạy lăng xăng vòng ngoài, khi mệt còn thay nhau nghỉ thế mà đến hết ngày còn phờ râu trê. Mới biết Cậu tôi với tuổi ngoài chín mươi đã có một sức chịu đựng áp lực làm việc phi thường và tuân thủ lịch trình tiếp khách một cách vô cùng nghiêm túc, không bao giờ có thể để xẩy ra tình trạng xuê xoa được.

Và còn tối đến, các buổi tối thường dành cho con cháu và những người thân trong gia đình. Cậu tôi rất quý các bạn của con, đặc biệt trong số đó có con của các bậc lão thành đã sớm khuất núi như chú Trần Đăng Ninh, Tướng Nguyễn Sơn, vân vân. Những lúc ấy tôi có cảm giác như không khí ấm cúng của một đại gia đình, không còn phân biệt khách chủ, không còn phân biệt đâu là con và đâu là bạn của con nữa. Một bầu không khí hạnh phúc ngập tràn căn phòng, ngập tràn ngôi nhà!

Cũng nhân một ngày lễ trọng như vậy, lúc khách khứa đã vãn, Thuận - một đứa cháu đồng hương bạn của tôi xin đọc một bài thơ mới làm tặng Cậu tôi. Đó là bài "Một chiều xuân" nói về cảm xúc của Thuận khi lần đầu tiên được gặp Bác ngay trong ngôi nhà ấm cúng này. Khi Hoàng Quang Thuận rưng rưng đọc đến câu "Tóc bạc trắng một thời binh lửa", tôi thấy Cậu tôi lặng đi vì xúc động. Còn tôi, lòng tôi bỗng trào dâng một cảm xúc khó tả...

Rồi khi cảm xúc đó qua đi, lòng tôi lắng xuống, một nỗi buồn man mác chợt ập đến: Đâu chỉ có một thời binh lửa, ngay trong những ngày hòa bình đã im tiếng súng, tóc Cậu tôi còn bạc trắng bội phần...


CẬU TÔI
              PHẦN BA

Tôi đã có những hồi ức về Ba má nuôi của tôi, về Chị Cúc của tôi. Nhiều lúc tôi muốn viết về Ba Mẹ tôi, nhưng có lẽ để có được những hồi ức đầy đủ về ba mẹ đẻ của tôi, tôi cần phải có thêm hai cuộc đời nữa.

Thế còn để viết về Cậu tôi? Để viết về Cậu tôi, tôi cần phải có trên chục cuộc đời nữa. Nói vậy thôi, viết thì vẫn viết, nhớ gì thì viết nấy, viết lại những gì còn chưa kịp quên.

Khi nói về tình cảm đối với người thân và giá trị của người đó đối với bản thân mình, có ai đó đã nói: "Chính xác và trung thực nhất là khi người đó mất đi hoặc ốm đau". Nói thế thì đau quá, nhưng mà trên thực tế quả đúng như vậy thật!

Tôi sẽ dành một ít thời gian để nhớ về những ngày sức khỏe Cậu tôi không được như ý, phải nằm điều trị trong bệnh viện. Cho đến giờ, tôi vẫn không thể nào quên được cái cảm giác hốt hoảng đầy âu lo và cảm thương khi Cậu tôi bất ngờ lên một cơn đau bụng trong đêm ở tại khu nghỉ Đồ Sơn. Lần ấy chỉ có Nam và tôi được đi theo Cậu tôi, vì các anh chị đang học và công tác ở xa cả. Xuống Đồ Sơn lần ấy, kế hoạch của Cậu tôi là vừa nghỉ ngơi vừa tranh thủ làm việc. Còn Nam và tôi chỉ có ngủ, tắm biển và ăn, rồi lại ngủ, rồi lại tắm biển và bóng bàn. Chả có gì để làm, cũng chẳng có gì để chơi, vào cái thời đó.

Hàng ngày, Cậu tôi thường làm việc với bác Đặng Xuân Khu, nhà nghỉ của bác í cũng ở ngay cạnh, cách một cái sân và một khu vườn. Vì thế khi thì Cậu tôi sang nhà bác Xuân Khu, khi thì bác í sang bên này; mà bác í thích sang bên này ngồi trao đổi công việc hơn vì bên này nhiều gió, mát hơn. Bác í nói đùa với Cậu tôi "Anh Văn thu hết gió của tôi", rồi hai người cùng cười vui vẻ. Chưa bao giờ tôi thấy Cậu tôi vui và có một đợt vừa nghỉ vừa làm việc thoải mái như vậy.

Tuy nhiên, cũng chỉ hết được ngày thứ ba của đợt công tác thì xuất hiện biến cố. Hôm đó sau khi ăn tối xong, Cậu tôi ngồi vào bàn làm việc một lúc rồi bảo tôi buông màn để Cậu đi ngủ sớm. Khoảng gần nửa đêm thấy Cậu tôi trằn trọc khó ngủ, rồi Cậu tôi kêu đau lâm râm ở vùng bụng. Như thường lệ, những lần như vậy tôi thường lấy dầu khuynh diệp mang theo xoa cho Cậu tôi. Cậu tôi rất hợp với loại dầu này, và thường gọi là dầu tràm như trong quê người ta vẫn gọi. Nhưng lần này cơn đau không thuyên giảm, mỗi lúc mỗi đau hơn. Nhìn Cậu tôi cắn răng vật vã chịu những cơn đau dữ dội, người đẫm mồ hôi, tôi không chịu được. Bạn đã bao giờ có cái cảm giác muốn làm giúp người khác một việc mà không thể thực hiện được không? 

Tôi bảo Nam gọi ngay chú Ngà bác sĩ. Chú Ngà đến ngay tức thì, chú vừa khám cho Cậu tôi vừa hỏi: "Anh thấy đau nhất ở chỗ nào?". Cậu tôi chỉ vào vùng bụng bên phải, nhưng vì đang đau dữ dội, cái đau lan tỏa nhanh nên không thể chỉ chính xác được vị trí đau. Tôi nghe chú Ngà nói với chú Thìn: "Tôi nghĩ đến đau ruột thừa, nếu thế thì không được dùng giảm đau. Cấp cứu ngay!". Mới nghe đến hai tiếng "cấp cứu" tôi đã rụng rời chân tay, không hỏi thêm chú Ngà được câu nào.

Không thể ngồi đợi xe cấp cứu, phải đi bằng Von-ga, chú Thềm lái. Ngoài kia trực thăng bên Không Quân đã sẵn sàng ở sân bay dã chiến. Tên Nam bám theo trực thăng, còn tôi phải ở lại thu dọn đồ đạc. Đêm ấy là một đêm trắng. Tôi muốn các bạn được ở vào hoàn cảnh của tôi lấy một lần, các bạn sẽ biết được tâm trạng lo lắng bồn chồn khi người thân của mình bị ốm đau là như thế nào.

Sáng hôm sau mới có một chiếc com-măng-ca hốt tôi cùng đồ đạc tư trang chở về Nhà khách Hải Quân, rồisau đó về nhà chú Trà, chú Hoàng Trà bố dượng của Đỗ Quang Việt bạn tôi. Không nhớ lúc đó chú Trà là Đô đốc hay Chính ủy gì đó. Ở đấy để chờ tin tức từ Hà Nội, không dám trốn về với Má tôi và út Hải, mặc dù nhà Má ở cách đó không xa.

Mãi sáng hôm sau có người của BTL Hải Quân về Hà Nội họp tôi mới được đi nhờ xe và được thả xuống Hoàng Diệu. Vừa mừng vừa lo. Mừng vì đã được về đến nhà một cách thuận lợi, lo vì chưa biết bệnh tình của Cậu tôi ra sao. Nhưng cũng chỉ vài tiếng sau là có tin tức báo về: Cậu tôi có vấn đề về túi mật, và đã được đưa sang Liên Xô để phẫu thuật. Đến lúc đó mới thấy yên tâm được phần nào.

Sau khi điều trị ở Liên Xô về, Cậu tôi phải nghỉ làm việc để điều dưỡng một thời gian, và sức khỏe dần dần bình phục. Cậu tôi phải theo chế độ ăn kiêng và tập các bài tập dưỡng sinh nhẹ nhàng, ngâm mình và bơi nhẹ ở trong bể tắm. Các bác sĩ hết sức ngạc nhiên về quá trình hồi phục rất nhanh của Cậu tôi, họ nói quả là kỳ diệu!

Nhiều lúc tôi thầm nghĩ, hay Tổ Tiên nước Việt cùng Hồn Thiêng Sông Núi đã cho Cậu tôi hồi phục nhanh để kịp cùng với quân dân cả nước kết thúc cuộc chiến tranh Vệ Quốc vào Mùa Xuân năm sau? 
Có thể như vậy lắm chứ!

CẬU TÔI
       PHẦN BỐN

Lại một lần Cậu tôi phải nhập Viện 108. Cú ngã sơ sơ nhưng đối với người cao tuổi thật không sao lường hết được. Còn nhớ hôm đó Cậu tôi đang tập bài tập dưỡng sinh của Cụ Song Tùng, vừa tập vừa lẩm nhẩm đếm để luyện trí nhớ. Vừa lúc đó thì con Giôn, con Cún mà Ti và Bi vẫn chăm bẵm cứ muốn chạy đến bên Ông, Ông bước lùi vài bước để tránh, và thế là ngồi bệt vào chậu cây phía sau lưng. Cú ngã ngồi bình thường, rất may là có cái cây đằng sau đỡ lấy lưng và đầu, hú vía. Vậy nhưng đến tối thì Cậu tôi bắt đầu thấy đau ở vùng thắt lưng, rồi cứ thế đau dần lên cả cột sống. Cả nhà ra quyết nghị, thôi cứ phải vào Viện cho yên tâm. Vậy mà phải nằm cả tháng trời cơ đấy. Đúng là với người già, không thể nào nói trước được điều gì.

Suốt cả ngày lẫn đêm, hầu như lúc nào cũng có mặt bác sĩ hoặc y tá, hộ lý của Bệnh viện. Chỉ đến bữa ăn là cần có người nhà ngồi ăn cùng, để tạo không khí thôi chứ Cậu tôi tự túc được hết, chưa cần phải làm thay một việc gì. Đến việc lấy thuốc đánh răng từ trong tuyp ra bàn chải, hay vò khăn mặt bằng xà phòng, nếu tôi nhỡ thò tay vào và nói "Để con làm cho", thì y như rằng bị gạt ra ngay. Người già muốn khẳng định năng lực hành động của mình trước con cháu, rằng mình vẫn tự làm lấy được tất cả! Những lúc ấy tốt nhất là đến đứng thật im ở phía ngoài cửa toilet, tập trung lắng nghe từng tiếng động nhỏ ở bên trong, và với tư thế luôn luôn sẵn sàng!

Ban ngày thì Mợ tôi hoặc các anh chị thay nhau vào với Cậu tôi. Chỉ có buổi tối, vì nhà gần Bệnh viện nên tôi được đặc cách đảm đương ca này. Sau bữa tối, Cậu tôi thường theo dõi chương trình thời sự trên TV từ đầu cho đến cuối, nói chuyện vui gì đó với các con các cháu vào thăm, xong là lên giường nằm theo lời khuyên của bác sĩ. Những lúc đó Cậu tôi rất thích nghe một vài bản nhạc cổ điển, những bài hát về Hà Nội, đặc biệt là đĩa CD do Phương Tâm mang vào cho Ông ngoại, Cậu tôi nghe đi nghe lại không biết chán, thích nhất vẫn là bài "Hà nội đêm trở gió". Có mấy chỗ không rõ lời, Cậu hỏi tôi tôi cũng chịu không trả lời được, hôm sau đành phải tìm tra sổ bài hát.

Cũng có những tối Cậu tôi không nghe nhạc mà dành thời gian nghe một vài kênh đài nước ngoài, khi thì kênh phát tiếng Việt khi thì kênh nói tiếng Pháp. Đó là những hôm, thông qua chương trình truyền hình, hoặc qua báo cáo cập nhật thông tin trong ngày của Ban thư ký, Cậu tôi muốn nghe để biết rõ hơn các sự kiện quan trọng xẩy ra ở các nước, hoặc muốn nghe các nước nói về Việt nam.

Có lần kiếm được tập bản thảo hồi ức của chú Trần Quỳnh, tôi đọc cho Cậu tôi nghe thử mấy trang, nghe thấy thú vị và có đoạn còn gây buồn cười nữa, Cậu tôi muốn nghe đến hết. Thế mà tôi đọc cũng phải mất mấy đêm mới hết, mỗi đêm một ít. Có đoạn thấy hay hay, Cậu tôi bảo tôi đọc lại cho Cậu nghe, nghe xong Cậu tôi cười và nói "Hay nhỉ, buồn cười nhỉ!". Đó là đoạn chú Quỳnh gặp chú Sáu Dân trao đổi tâm sự gì đó, khi nói về Cậu tôi thì chú Sáu Dân nói với chú Quỳnh "Tôi tưởng thế nào té ra kiến thức quân sự cũng chỉ là con số không to tướng". Cậu tôi cười bảo "Cái cậu này khéo mượn lời thật" rồi bảo "buồn cười nhỉ". Còn tôi tôi thấy chả có gì buồn cười cả!

Cứ say sưa đọc rồi bình như vậy, thời gian bao giờ cũng trôi nhanh hơn. Chỉ đến khi cô hộ lý vào và giơ một ngón tay lên, ý nói một xíu nữa thôi nhé, đến giờ bác phải ngủ rồi đấy, hai Cậu cháu mới thôi. Lúc đó tôi bắt đầu buông màn, giém màn cẩn thận, ngồi lại ở ghế bên giường Cậu một lúc, chỉ khi thấy Cậu tôi nằm im và thở đều, tôi mới yên tâm ra về. Phòng ngoài, lúc thì có anh Lợi, lúc thì có bác sĩ Nhựa, bác sĩ riêng của Cậu tôi, ngủ lại.

Rồi cũng đến một hôm, chú Huyên bắt gặp tôi đang đọc "chuyện vui" của chú Trần Quỳnh cho Cậu tôi nghe, chú tảng lờ như không biết gì. Nhưng trưa hôm sau gặp tôi ở Hoàng Diệu, chú hỏi tôi mượn được tài liệu đó ở đâu. Tôi nói với chú là "thằng Đức Trung cho cháu mượn, nó cùng đơn vị với cháu mà, hai thằng chơi thân với nhau mà". Chú hỏi "Đức Trung có dặn gì không?", tôi nghĩ chú Huyên thật tinh ý, tôi trả lời chú: "Nó nói, tao đọc một đoạn thấy chẳng hay lắm, tao bảo với ông già "Bố nghỉ cho khỏe, viết mấy cái này làm gì cho mệt", thế mà ông già cũng cố viết bằng xong, mày đọc thử xem, nhưng không được phô-tô đâu đấy. Đừng cho đứa nào mượn!". Chú Huyên nghe xong im lặng một lúc rồi chú nói: "Chú cũng có một bản trong cặp, định lúc nào đó rồi cho Cậu cháu xem, nhưng không phải lúc này. Lần sau, những việc như thế này phải hỏi ý kiến chú, nghe chưa!". Tôi vâng dạ liên hồi. Chú dặn thêm "Xong trả nó ngay, đừng phô-tô thêm". Tôi hứa với chú sẽ trả thằng Trung ngay, vậy mà trước khi trả nó, tôi còn kịp phô-tô trộm một bản mang về cho Ba tôi để đọc cho các cụ trong tổ hưu nghe. 

Tôi quên chưa kể về một vài thói quen trước khi ngủ mà Cậu tôi vẫn thường dạy tôi, đó là lau mắt bằng nước muối y tế và xoa chân tay trước khi ngủ. Lau mắt nước muối thì không có gì đáng nói, đáng nói là cách xoa hai lòng bàn tay và hai gan bàn chân với nhau, xoa đều khoảng dăm bảy phút trước khi ngủ. Làm được như vậy một cách đều đặn, khí huyết sẽ lưu thông, giấc ngủ đến nhanh, và ngủ sẽ ngon hơn, sâu hơn. Tôi hỏi Cậu "Cậu đọc được cái này ở đâu?". Cậu tôi bảo "Đây là ông ngoại con dạy Cậu từ hồi còn bé". Tôi bảo "Từ dạo ấy mà ông đã bắt Cậu tập khí công thế này rồi sao? Ai cũng phải tập thế này sao?". Cậu tôi nheo mắt hóm hỉnh rồi cười, với nụ cười rất hiền, nói: "Bình thường thôi mà con. Ở quê người ta không gọi là tập khí công, mà bảo là xoa sạch chân trước khi lên giường, ở quê mình toàn đi chân đất mà con, làm gì có guốc dép. Mùa lạnh mà xoa tay xoa chân như thế thì người ấm dần lên, dễ ngủ hơn con ạ". À ra thế!

Nghe lời Cậu, và cái chính là cũng muốn có được sức khỏe dẻo dai như Cậu nên tôi vận dụng ngay bài tập xoa tay xoa chân trước khi ngủ. Hiệu nghiệm thật. Và thế là tôi kiên trì kéo dài bài tập đâu được khoảng hai tuần, sau đó thì...quên luôn. Đến bây giờ viết về Cậu tôi, tôi bỗng nhớ lại, có lẽ lúc nào đó cũng phải bắt đầu tập lại thôi, nếu muốn mình cũng trường thọ!

Các bạn đã bao giờ ngồi nhìn ông bà hoặc bố mẹ mình lúc về già nằm ngủ chưa? Tôi tin chắc rằng nếu có thì những lúc đó chính là những giờ phút hạnh phúc nhất trong đời bạn!

(Còn nữa)  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét